Từ nguồn phụ phẩm trồng trọt (PPTT) như trấu, rơm rạ, thân cây ngô, cây chuối… thay vì bỏ đi, người dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tận dụng để làm nguyên liệu nuôi giun quế, phân bón, nhất là làm thức ăn trong chăn nuôi. Việc tận dụng PPTT đã mang lại lợi ích kép khi vừa giúp người dân tiết kiệm chi phí sản xuất, chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi vừa khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
PPTT là sản phẩm phụ phát sinh từ hoạt động chăm sóc, thu hoạch, sơ chế trong lĩnh vực trồng trọt. Trong đó, số lượng phụ phẩm chiếm tỷ lệ nhiều nhất là rơm rạ, sau đó là phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo như vỏ trấu, cám, đối với cây ngô phụ phẩm chủ yếu là lõi, lá, rau màu các loại lượng phế phẩm thải đồng ruộng chủ yếu là các loại thân, lá già còn lại sau thu hoạch. Từ các loại phụ phẩm sẵn có, người dân đã sử dụng các phương pháp xay nhỏ, ủ chua, phơi khô… để dự trữ, tạo ra nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao đối với vật nuôi.
Tại trang trại tổng hợp ở xã Quảng Hợp (Quảng Xương), chị Nguyễn Thị Hoan hiện đang nuôi hơn 1.000 con gà. Nhiều năm nay, để tiết kiệm chi phí chăn nuôi, với diện tích trồng ngô trong trang trại, chị đã tận dụng thân, lá, hạt ngô không bảo đảm chất lượng xay nhỏ làm thức ăn cho đàn gà. Theo chị Hoan, ngô là một trong những nguồn nguyên liệu chủ yếu để chế biến thức ăn chăn nuôi, cung cấp giá trị dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm. Theo đó, 1 kg thân ngô chứa từ 600 đến 700 gam protein và khoảng 320 gam chất xơ, có thể cho gà ăn trực tiếp hoặc ủ chua để bảo quản lâu dài, còn hạt ngô có thể nghiền nhỏ, trộn với cám gạo để cho gà ăn. Bên cạnh đó, chị còn dùng phụ phẩm từ rau xanh trong trang trại làm thức ăn cho gà.
Cũng theo chị Hoan, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay, việc tận dụng phụ phẩm từ trồng trọt có thể xem là giải pháp hữu hiệu để giảm chi phí sản xuất mà vẫn bảo đảm được chất lượng con nuôi, khoảng sau 4 tháng nuôi có thể xuất bán gà thịt và sau 6 tháng là gà đẻ lứa đầu tiên. Tuy nuôi gà theo phương pháp này đòi hỏi nhiều công chăm sóc nhưng được nhiều lợi ích hơn so với phương pháp nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp như: gà lớn nhanh, da vàng, thịt săn chắc, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhất là, chất thải không có mùi hôi thối, hạn chế gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh làm thức ăn cho gà, thân cây ngô còn là thức ăn dinh dưỡng cho đàn bò thông qua phương pháp ủ chua. Chị Lê Thị Trâm ở xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) cho biết: Để tạo nguồn thức ăn cho đàn bò của gia đình, ngoài trồng cỏ chăn nuôi chị còn kết hợp ủ thân cây ngô, rơm để chủ động nguồn thức ăn trong chăn nuôi, nhất là vào mùa đông. Thức ăn sau khi được ủ sẽ tăng giá trị dinh dưỡng, hàm lượng protein thô, tăng tỷ lệ tiêu hóa, giúp bò ăn được nhiều hơn và cho năng suất cao hơn. Bên cạnh đó, phương pháp ủ cũng dễ dàng thực hiện, tận dụng các điều kiện sẵn có ở nơi chăn nuôi như bể xây, ô chuồng trống, thùng nhựa… sử dụng một số nguyên liệu trộn cùng rơm, sau đó nén chặt, không để không khí lọt vào.
Hiện nay giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, phương pháp tận dụng PPTT được người chăn nuôi ở các địa phương trên địa bàn tỉnh ứng dụng rộng rãi. Từ thân cây ngô, lõi, rơm, rau màu… người dân thái nhỏ, phơi khô, ủ chua, vừa có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, đầu tư thấp, mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, việc tận dụng PPTT phơi khô làm thức ăn cho gia súc là cách giúp người dân dự trữ trong thời gian dài, nhất là chủ động được nguồn thức ăn cho trâu, bò vào mùa mưa lạnh. Tuy nhiên, số hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn chế biến từ PPTT còn ít so với nhu cầu thực tế do người dân chưa nắm rõ kỹ thuật chế biến, phối trộn, bảo quản thức ăn…
Để chế biến thức ăn chăn nuôi từ PPTT đạt hiệu quả cao, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện trên địa bàn tỉnh cần chú trọng tổ chức tập huấn cho người dân về kỹ thuật xử lý PPTT, từ cắt ngắn, phơi, sấy khô, nghiền nhỏ đến xử lý kiềm để gia súc dễ tiêu hóa, hay phương pháp ủ men chua để bảo quản thức ăn lâu mà không mất chất dinh dưỡng. Khi trộn cám, người chăn nuôi cần nắm vững kỹ thuật, lựa chọn nguyên liệu bảo đảm chất lượng, xác định được nhu cầu tỷ lệ dinh dưỡng với từng loại vật nuôi ở các giai đoạn khác nhau. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu mô hình tận dụng PPTT hiệu quả để người chăn nuôi học tập